Ngành nông nghiệp từ trước đến nay vẫn luôn là ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam. Với sự bùng nổ của công nghệ 4.0 cùng quá trình hội nhập quốc tế, các hoạt động trong nông nghiệp đòi hỏi sự “đột phá” mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế nước nhà. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.
Những khó khăn khi sản xuất nông nghiệp theo cách thủ công
Việc sản xuất nhỏ lẻ, làm theo cách thức thủ công truyền thống là một trong những nguyên nhân khiến cho nền nông nghiệp Việt Nam “giậm chân tại chỗ”. Lượng nông sản dần mất đi tính cạnh tranh và luôn trong tình trạng bấp bênh về giá cả cũng như sản xuất đầu ra. Bởi với cách làm truyền thống (chủ yếu là sức người), bà con nông dân không thể tạo ra sản phẩm số lượng lớn và đạt chất lượng cao nhanh chóng.
Nói về thực trạng này, ông Phạm Văn Rư (chủ trang trại gà đẻ công nghệ cao Dư Hoài, tỉnh Sóc Trăng) đã có những chia sẻ thực tế. Trước đây, để có thể sản xuất ra số lượng trứng lớn thì ông phải thuê từ 50 - 60 nhân công. Chi phí thuê nhân công đôi khi bị thâm hụt vào tiền lãi sản phẩm. Hơn nữa, quá trình tạo ra sản phẩm có không ít lần gặp sự cố làm gián đoạn tiến độ sản xuất. Chất lượng sản phẩm cũng vì thế mà bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy đâu lời giải cho “bài toán” trên?
Những thay đổi khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Có thể thấy, sản xuất theo cách thức thủ công về lâu dài không thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho nền nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quá trình sản xuất nông sản có thể nâng cao số lượng và cải thiện chất lượng. Thay đổi tư duy sản xuất với hướng tập trung, kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chính là giải pháp tốt nhất cho bà con nông dân lúc này.
Thực tế, trang trại gà đẻ trứng Dư Hoài của ông Phạm Văn Rư đã áp dụng thành công mô hình công nghệ cao trong sản xuất trứng với dây chuyền tự động. Mọi công đoạn đều được tự động hóa nhờ máy móc và chỉ cần 1 - 2 nhân công giám sát. Theo đó, lượng trứng được tạo ra thông qua dây chuyền sản xuất tự động luôn đáp ứng được số lượng lớn. Bằng chứng là trung bình mỗi ngày, trang trại chăn nuôi Dư Hoài cung ứng ra thị trường hơn 400.000 quả trứng gà công nghiệp.
Dây chuyền tự động trong sản xuất trứng gà
Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi đã đầu tư sản xuất theo dây chuyền tự động nhằm giảm thiểu sức người. Đồng thời gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, nhiều trang trại còn trang bị thêm các thiết bị tiên tiến như: máy chiếu tia UV, máy diệt khuẩn sinh học,... Việc xử lý, làm sạch trứng đã được thực hiện nhanh chóng nhờ những thiết bị kể trên. Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm khi đến tay người dùng cũng được đảm bảo 100%.
Ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp
Hiện nay, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể khi áp dụng công nghệ cao. Một số minh chứng điển hình như:
Mô hình nuôi tôm nhà kính
Thực tế, việc nuôi tôm giống có khá nhiều cách thức khác nhau như nuôi quản canh (khoảng 3-6 con/m2), bán thâm canh (khoảng 70-100 con/m2),... Đặc biệt, mô hình được ứng dụng nhiều nhất hiện nay chính là nuôi tôm trong nhà kính. Đây được đánh giá là mô hình “siêu thâm canh”, mang lại khả năng nuôi tôm với mật độ lên đến 500 con/m2.
Công ty CP Việt Úc chi nhánh tại Bạc Liêu chính là đơn vị tiên phong đưa ứng dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi tôm trong nhà kính. Họ đã tiến hành đầu tư hơn 180 tỷ đồng cho diện tích 50ha nuôi tôm. Kết quả là năm 2017, Công ty CP Việt Úc đã đạt sản lượng 50 – 70 tấn/ha/vụ nhờ mô hình nuôi tôm trong nhà kính. Con số này tương đương với 300 tấn/ha/năm. Như vậy, có thể thấy, sản lượng nuôi tôm trong nhà kính đã tăng gấp 10 lần so với hình thức nuôi trồng tôm truyền thống.
Mô hình nuôi trồng tôm công nghệ cao trong nhà kính
Trong tương lai, mô hình này sẽ tiếp tục được cải tiến với nhiều ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ vi sinh, công nghệ nhà màng Israel,... hứa hẹn mang lại những hiệu quả vượt bậc cho lĩnh vực nuôi trồng tôm tại Việt Nam.
Mô hình công nghệ IOT trong kỹ thuật canh tác cây trồng
Ngày nay, mô hình nông nghiệp 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực canh tác cây trồng. Thông qua những dữ liệu được phân tích và dự báo, người canh tác có thể biết được thời điểm chính xác để gieo giống, thời điểm thu hoạch sản phẩm để có được doanh thu cao nhất,... Tất cả hoạt động này đều dựa trên công nghệ số hóa canh tác, mang lại lợi nhuận tối đa cho người nông dân.
Canh tác cây trồng từ xa nhờ ứng dụng công nghệ IOT
Điển hình như Công ty cổ phần Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm) chủ trương canh tác và sản xuất nông sản với phương pháp thủy canh. Đến hiện tại, đơn vị này đã và đang sở hữu một nông trại với quy mô lớn. Họ đã kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ IOT trong nhiều công đoạn trồng trọt và tiêu thụ. Nhờ đó, chủ nông trại có thể giám sát canh tác từ xa thông qua hệ thống giám sát và điều khiển bằng Internet: tự động kiểm soát độ ẩm cây trồng, tưới nước, bón phân,...
>>> Tối ưu hóa quy trình quản lý sản xuất cho doanh nghiệp bằng hệ thống ERP
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã mang lại những thành công nhất định. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận những ứng dụng này đã làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của nước nhà. Nó tạo nên một bước chuyển mình lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.